Họa Sĩ Bé Ký và Hồ Thành Đức
Hai vợ chồng hoạ sĩ Hồ Thành Đức và Bé Ký vừa cho gom một số tác phẩm của mình, xuất bản thành hai tuyển tập. Tuyển tập tranh Bé Ký mang tên Quê hương mến yêu và của Hồ Thành Đức là Ấn tượng trong đời tôi. Cả hai tuyển tập đều được in trên giấy láng cứng, trình bày trang nhã. Bé Ký và Hồ Thành Đức là những hoạ sĩ đã thành danh từ lâu. Hình ảnh một thiếu nữ nhỏ nhắn, áo cánh, quần đen, cặp giấy trên tay, đi lại trên đường phố, thỉnh thoảng dừng trước một hoạt cảnh nào đó, một đứa bé đánh giày, một người đàn bà bán hàng rong vừa hạ đôi quang gánh xuống mời mọc khách, một chiếc xe thổ mộ từ phía đồng Ông Cộ chạy ra chợ Bà Chiểu, dừng ở phía bên kia đường Lê Quang Định, một người hát xẩm gỡ cây đàn đeo bên mình, ngồi xệp xuống dưới chân chiếc cột đèn bắt đầu hành nghề, một người phu xích lô vắng khách ghếch xe nằm nghỉ bên một góc hè, một cơn gió làm bay chiếc nón rách của một người hành khất... Đó là những đề tài quen thuộc của Bé Ký. Chỉ với một mẩu than chì và một tờ giấy trắng, bà đã biến những cảnh sắc tầm thường ấy thành những tác phẩm.
Mới đầu Bé Ký chỉ vẽ chơi, vì có năng khiếu tự nhiên từ khi còn nhỏ, nhưng tài năng của bà đã được nhiều nhà chuyên môn đặc biệt chú ý, sau đó, Bé Ký đã được các hoạ sĩ Trần Đắc, Trần Văn Thọ, Văn Đen trực tiếp hướng dẫn.
Và tài năng của bà được khẳng định.
Cuộc triển lãm tranh đầu tiên của Bé Ký tổ chức tại trụ sở Pháp văn đồng minh hội (Alliance Francaise) năm 1957 được bảo trợ bởi ông René de Berval, người chuyên viết phê bình mỹ thuật cho tờ báo Pháp ngữ Journal d’Extrême Orient và tạp chí France d’Asie ở Sài Gòn.
Tranh của Bé Ký được nhiều người châu Âu sưu tầm, không phải chỉ vì tính chất "hương xa", mang những hình ảnh đặc biệt Việt Nam, mà còn chính vì cá tính của tranh, hay nói cách khác, vì tài năng của bà. Trong bộ sưu tập của Nhà bảo tàng châu Á - Thái Bình Dương tại Ba Lan có tranh của bà.
Theo nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Uỷ thì giữa hàng ngàn tấm tranh của Bé Ký, tranh vẽ bằng nét mực tàu, tranh tô màu trên lụa, tranh sơn mài, dĩ nhiên tranh sao đi chép lại cũng khá nhiều vì nhu cầu thương mại, giữa núi tranh đồ sộ ấy, nếu chọn thực kỹ, chúng ta sẽ có nhiều tấm thực hiện hết sức tài tình như Đàn nguyệt, Mẹ con, Đàn độc huyền, Đàn cò, Bà cháu, có thể xem là tuyệt kỹ.
Xem tranh Bé Ký, hẳn rằng ai cũng thấy ngay là Bé Ký rất thành công ở chỗ, trong suốt 40 năm sống đời một hoạ sĩ, Bé Ký đã xây dựng được một thế giới riêng biệt, đầy cá tính ngay từ những bước đầu tiên, rồi từ đó bà cứ bước đi một cách vô cùng vững tin ở cách nhìn và sự lựa chọn của mình. Bút pháp của Bé Ký thuộc về đại chúng, đó là một thứ nghệ thuật quần chúng. Như vậy chẳng có gì đáng tiếc khi nghệ thuật của Bé Ký chỉ ngừng ngang mức dân gian mà không đi xa hơn nữa. Nếu chúng ta đã có nguồn tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tranh đỏ Kim Hoàng, tranh làng Sình ở Huế thì chúng ta còn có thêm nguồn tranh dân gian quý giá không kém, đó chính là tranh Bé Ký, một nghệ sĩ chân thành, tài hoa, độc đáo và sáng tạo.
Hồ Thành Đức được đào tạo trường chính quy hẳn hoi, Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.
(Theo internet)