TIỂU SỬ:
Bút hiệu: Sao Trên Rừng
Nơi sinh: làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận
Năm sinh: ngày 18 tháng 11 năm 1937
Năm mất: ngày 11 tháng 6 năm 2020 tại Bảo Lộc
TÁC PHẨM:
Thơ: Bọt Nước (Mặt Đất 1966), Hoa Cô Độc (Mặt Đất 1965), Lời ru (Mặt Đất 1966), Đêm Nguyệt Động (An Tiêm 1967), Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm 1972), Tịnh Khẩu (An Tiêm 1973) và Du Sỹ Ca (An Tiêm 1973),Thơ Và Đá (Văn Học Press 2019), Chút Lời Mênh Mông (Đà Nẵng 2020)
Truyện ngắn: Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm 1968), Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm 1969), Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm 1971)
Được xem như một nhà thơ thật độc đáo của miền Nam với biệt danh Sơn núi, ông có sức sáng tác thật dữ dội, phong phú về mọi đề tài. Với những ý tưởng thật cắc cớ kỳ lạ, những thái độ sống không giống ai, NGUYỄN ĐỨC SƠN đã một mình một ngựa xông vào đấu trường văn nghệ một cách ngang nhiên, thách thức tất cả.
…
nhiều khi đợi nắng chiều tan
tôi mông lung nghĩ theo làn mây trôi
ngày kia nếu ở trên đời
cha tôi không cưới mẹ tôi bây giờ
sinh ra tôi có làm thơ
để điêu linh vẫn như chờ riêng thôi
…
Ông đã góp mặt trên hầu hết các tạp chí văn học trước 1975 như SÁNG TẠO, VĂN NGHỆ, VĂN, KHỞI HÀNH, THỜI TẬP… cả thơ lẫn truyện, và từng chủ trương một tờ báo ” MẶT ĐẤT ”, dù chỉ hiện hữu một hai số. Thơ NGUYỄN ĐỨC SƠN với nét đặc trưng riêng, có lúc hiện sinh đời thường, lắm khi thiền vị tâm linh thể hiện bằng những thi ảnh và thi ngữ thật chắt lọc từ hiện thực đời sống.
…
Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô
…
Sáng mênh mông
Ta đi thơ thẩn trong vườn hồng
Ô bông, ồ mộng, ồ không.
Một điều nữa rất ấn tượng trong thơ ông là có một số lãnh vực coi như cấm kỵ hoặc nhạy cảm về dục tính mà phần đông tránh né, NGUYỄN ĐỨC SƠN sẵn sàng dấn thân.
…
anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước
miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi
ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
em chưa đái mà hồn anh đã ướt
…
tuệ sỹ và nguyễn đức sơn
Thật là một mất mát lớn cho nền thi ca Việt Nam trước sự ra đi của một nhà thơ đặc dị như NGUYỄN ĐỨC SƠN.
TRÍCH THƠ:
TÔI THẤY MÂY RỪNG
một ngày đau khổ chín trong tôi
tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi
cây thả trái sầu trên nước lắng
mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi
thôi nhé ngàn năm em đi qua
hồn tôi cô tịch bóng trăng tà
trời sinh ra để chiều hôm đó
tôi thấy mây rừng bay rất xa
Thi tập HOA CÔ ĐỘC
HỒI TƯỞNG
nhiều khi đợi nắng chiều tan
tôi mông lung nghĩ theo làn mây trôi
ngày kia nếu ở trên đời
cha tôi không cưới mẹ tôi bây giờ
sinh ra tôi có làm thơ
để điêu linh vẫn như chờ riêng thôi
những đêm sao sáng đầy trời
bỗng nhiên tôi khóc trên đồi hư không
MỘT MÌNH NẰM THỞ ĐỦ KIỂU TRÊN BỜ BIỂN
đầu tiên tôi thở cái phào
bao nhiêu phiền não như trào ra theo
nín hơi tôi thở cái phèo
bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không
sướng nên tôi thở phập phồng
mây bay gió thổi trời hồng muôn năm
mai sau này chỗ tôi nằm
sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru
MANG MANG
mang mang trời đất tôi đi
rừng im suối lạnh thiếu gì tịch liêu
tôi về lắng cả buổi chiều
nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
còn một mình hỏi một mình
có chăng hồn với dáng hình là hai
từng trưa nằm nghỉ đất dài
phiêu diêu nhẹ cái hình hài bay lên
mù sương âm vọng tiếng huyền
có con dơi lạ bay trên cõi đời
sau xưa mắt đã ngợp rồi
tôi nghe tôi chết giữa trời thinh khôngTập thơ LỜI RU
NẾU ĐỜI TRĂNG CHẾT
nếu đời trăng chết
tuổi vừa thu non
khi mộng chưa tròn
mái buồn liễu rủ
mi xuôi giấc ngủ
lòng khép vạn đời
anh sẽ câm lời
vu vơ biển lạnh
một trời hiu quạnh
mắt dõi trăng sao
anh đắp mồ cao
mồ xây cát biển
anh quỳ tưởng niệm
như hồi ngây thơ
em chôn con bướm
em chôn con còng
để hiểu thêm rằng
cõi đời mộng mị
cõi đời mộng mị
anh đi lang thang
NGÀY MẠT THẾ
ngàn sao biệt dạ hộitrăng mệt ngủ sau nhà
đêm không nhiều u tối
đêm sau đầy sương sa
đời có buồn tang chế
sao ngày dài lê thê
tình có buồn hoang phế
sao sầu vương não nề
lối về đêm trăng ướt
xiêu mấy cánh thư gầy
kinh cầu đau mắt ngước
sao lệ vẫn còn đầy
nhạc sương buồn mạt thế
hay tình đã hoàng hôn
chán chường như rừng bể
đau sông cạn núi mòn
thời gian xa hút bóng
cằn cỗi một mùa trăng
gió về lay gối mộng
tình rã trên cung đàn
rồi ngày sau em đến
tìm anh trong bóng xưa
ngày mai em có đến
em sẽ nhìn trăng mưa
Thi tập HOA CÔ ĐỘC
MỘT MÌNH ĐỨNG NHẢY HOÀI TRÊN NÚI CHƠI
cả đêm ấy tôi nhảy hoài trên núi
giữa trăng vàng mờ mịt bóng sinh linh
trần gian vắng tôi đã về lủi thủi
cỏ bên hồ thương cảm cũng rung rinh
tôi nhảy mãi dù trăng sao sắp tắt
nhảy cà tưng rồi lại nhảy cà tang
ngại khuya hàn sương giá xuống mang mang
run lập cập là bắt đầu khổ nhất
ĐÀN TRẦM
hồn đã tím đàn ai còn thê thiết
đàn chơi vơi đàn lặng và đàn trầm
cả đời hoang chìm lạnh dòng sông câmngày thu rụng trăng giấc vàng chưa mọc
hồ dĩ vãng mặt nước òa lên khóc
đêm chưa về trời đã nổi đầy sao
hồn xưa đang bay nắng thuở xa nào
màu đen mắt tưởng mờ trong hư vắng
mà sao lạ có ai cười trong nắng
áo rưng màu tím lụa đẫm trời xa
người ơi thương thương đến mấy cho vừa
trên nẻo ấy hồn ma đi trở lại .
HỒI TƯỞNG
khi dừng lại giữa năm mười sáu tuổi
một sáng hồng nghe nắng rụng tan hoang
tôi nằm xuống phập phồng hai lá phổi
sao mạch đời đang chảy bỗng khô rang
đau đớn quá trong tôi niềm tuyệt đối
nên cởi quần chạy giữa đám vi lô
tôi động cỡn nhảy kè bên khe núi
rồi ôm đầu lao thẳng xuống hư vô
Thi tập VỌNG
|