Trần Mạnh Hảo
( Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục
Đào tạo - Nguyễn Thiện Nhân!)
Kính thưa ông Bộ trường Bộ Giáo dục & Đào tạo!
Chúng tôi là Trần Mạnh Hảo, viết văn làm thơ, viết phê bình văn học, một phụ huynh học sinh quê Nam Định, hiện sống tại Sài Gòn, xin gửi tới ông lá thư ngỏ này với nỗi bức xúc lớn, thống thiết kêu to giữa trời rằng : “Chính Bộ GD&ĐT đang giết chết môn văn trong nhà trường - một môn học quan trọng bậc nhất để giúp con em chúng ta trở thành người Việt Nam đúng nghĩa nhất” !
Gửi ông một lá thư ngỏ với những lời nặng nề có vẻ đao to búa lớn như thế này, liệu Trần Mạnh Hảo tôi có bị công an tới làm phiền vì tội xúc phạm ngài và xúc phạm Bộ hay chăng ? Không, tôi tin rằng sự thật sẽ giúp tôi, sẽ giúp cho ông Bộ trưởng thấy rằng kết luận “Chính Bộ GD&ĐT đang giết chết môn văn trong nhà trường Việt nam” là hoàn toàn đúng.
Xin ông Bộ trưởng tìm đọc bài “Bài văn điểm 10” là bài thi đại học khối D
vừa qua của em học sinh Nguyễn Trung Ngân, quê Cần Thơ. Bài văn điểm 10 này đã
được in ra trên nhiều tờ báo mạng; có những bài phỏng vấn em Ngân và ba má em
vì tài học giỏi văn của em, nên người đọc mới biết là bài văn đã được cả trăm
thầy giáo chấm, thầy nào cũng lắc đầu khen tuyệt, hoàn toàn đúng đáp án Bộ cho.
Vâng thưa ông, đề thi đại học là đề Bộ GD&ĐT ra, đáp án cũng do Bộ, chấm
thi cũng là các thầy giỏi nhất phía Nam của Bộ chấm. Do đó, cứ nhìn quả, ta sẽ
biết gốc rễ và cây kia tốt hay xấu, thưa ông. Nếu bài văn điểm10 kia hay tuyệt,
xứng đáng điểm tuyệt đối thì công lao của Bộ GD&ĐT rất lớn.
Nhưng thưa Bộ trưởng, xin ông đọc tiếp bài viết của chúng tôi: “ Nhà thơ Trần Mạnh Hảo xin chấm lại “bài văn điểm 10”” thì ông sẽ chưng hửng mà than rằng : chết, dạy như thế này thì chết, sách giáo khoa như thế này, thầy dạy thầy chấm như thế này thì người ta kết luận Bộ GD&ĐT đang giết chết môn văn trong nhà trường đâu có sai ! Thưa ông, bây giờ xin nói qua mấy điểm cụ thể về việc chúng tôi “chấm lại bài văn điểm 10” để ông tường.
Trước hết về em học sinh Nguyễn Trung Ngân, tác giả của bài văn điểm 10 : em
xứng đáng điểm 10 theo lối dạy và lối chấm của Bộ GD&ĐT. Em Ngân không hề
có lỗi gì trong chuyện này. Em Ngân cũng như con em chúng tôi đang viết ra
những bài luận văn sai bét và lối hành văn lủng củng có nhiều lỗi ngữ pháp…như
trên là nạn nhân của chính Bộ GD&ĐT đấy.
Đề văn do Bộ ra cho khối D có 3 tiểu đề : bình về truyện “Trăng sáng” của Nam Cao, bình về truyện “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, bình bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Vì bài văn điểm 10 gần như trúng ý hoàn toàn với đáp án Bộ cho, nên chúng tôi kết luận rằng Bộ đã viết sách giáo khoa rất sai, Bộ đã ra đáp án rất bậy và Bộ đã cho những thầy giỏi nhất chấm ( thực ra những thầy này rất dốt). Chúng tôi xin chứng minh rất ngắn để khỏi làm mất thì giờ của ông.
Trong bài làm văn theo câu hỏi 1, em Ngân viết như sau về Nam Cao với thiên
truyện “Trăng sáng” : “Ông viết : “ Chao ôi ! Nghệ thuật không là ánh trăng lừa
dối, không nên là ánh trăng lừa dối ! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ
kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than”. ĐÓ CHÍNH LÀ QUAN ĐIỂM NGHỆ THUẬT
CỦA NAM CAO !” (TMH nhấn mạnh ). Nếu đúng đây là “quan điểm nghệ thuật” của Nam
Cao thì Nam Cao viết bậy quá ! Đối tượng nghệ thuật là cái đẹp ( chân thiện
mỹ), mà ánh trăng là sự tiêu biểu của cái đẹp. Phủ nhận ánh trăng, bảo nó không
phải là nghệ thuật ( thực ra là đối tượng của nghệ thuật) là lừa dối, chính là
một cách phủ nhận nghệ thuật vậy ! Đáp án của Bộ ( bài viết của em Ngân trùng
khít với đáp án của Bộ ) đưa kết luận của Nam Cao ra là một cách phủ nhận chính
nghệ thuật, phủ nhận chính môn văn; nên chúng tôi đành cho điểm đáp án là không
điểm.
Nhưng than ôi, thưa Bộ trưởng, câu nói đầy ngộ nhận trên mà Bộ gán cho Nam Cao không phải là của Nam Cao, lại càng không phải là quan điểm nghệ thuật của Nam Cao. Câu nói vu vơ về ánh trăng lừa dối, ánh trăng không phải là nghệ thuật kia thực ra chỉ là CÂU NÓI CỦA NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN TRĂNG SÁNG CỦA NAM CAO MÀ THÔI ! Việc lấy phát ngôn của nhân vật rồi đổ cho là phát ngôn của tác giả là một việc làm mang tính phi pháp mà khoa nghiên cứu và phê bình văn học nghiêm cấm. Như vậy, đáp án của Bộ rất sai và rất bậy; vì nó đã vu oan giá họa cho nhà văn liệt sĩ Nam Cao cái tội mà nhà văn không hề phạm.
Trong bài làm văn câu 2 về truyện “Vợ chồng A Phủ”, em Ngân viết : “ Nhưng sợi
dây thô bạo của A Sử đã trói đứng Mị vào cột. Thế nhưng sợi dây ấy chỉ có thể
TRÓI ĐƯỢC TÂM HỒN của một cô gái đang hòa nhập với mùa xuân, với cuộc đời”.
Viết như thế này, em Ngân và Bộ GD&ĐT chẳng hiểu gì văn học cả. Dây trói
kia chỉ trói được thân xác Mị, làm sao trói được tâm hồn Mị ? Học văn là cốt mở
rộng diện tích tâm hồn các em ra cho rộng lớn, hòa nhập với tâm hồn đất nước và
tâm hồn nhân loại. Bộ dạy rằng dây trói kia đã trói tâm hồn Mị, KHÁC NÀO BỘ LẤY
MÔN VĂN LÀM DÂY TRÓI, TRÓI TÂM HỒN CON EM CHÚNG TA VÀO CÁI CŨI CÓ TÊN LÀ SÁCH
GIÁO KHOA VĂN ?
Trong câu 3, thông qua bài luận của em Ngân, chúng tôi xin kết luận rằng Bộ dạy
con em chúng tôi như thế này, Bộ ra đáp án như thế này, đúng là Bộ đang giết
chết nhà thơ Hàn Mặc Tử, hơn nữa Bộ đang giết chết môn văn trong nhà trường. Ấy
là việc sách giáo khoa và đáp án của Bộ cho bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn
Mặc Tử là bài thơ điên cuồng, uất hận. Có phải Bộ đang dùng mấy ông giáo sư
tiến sĩ bị bệnh tâm thần soạn sách giáo khoa rồi ra đáp án quá xá bậy bạ như
thế này chăng ?
Thưa ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chưa bao giờ như lúc này, đất nước đang cần những thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh về cả tâm hồn lẫn thân xác để bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Việc Bộ GD&ĐT dạy văn như trên có phải là một cách giết chết tâm hồn con em chúng ta hay không, thưa ông !?
Kính chúc ông và gia đình sức khỏe, để ông dùng tài năng mà tuyên chiến với đại
dịch giết văn do chính Bộ của ông phải chịu trách nhiệm trước các bậc phụ huynh
lo lắng tột bực vì nền giáo dục nước nhà đang xuống dốc không phanh !
Xin cám ơn ông Bộ trưởng và kính chào ông!
Sài Gòn ngày 14-8-2008
Kính thư :
Trần Mạnh Hảo