Nhớ Tùng Giang - Một Thời Nhạc Trẻ
Lời người viết: Bài viết dưới đây được viết cách đây ba năm
như một hồi niệm những gì tôi biết về Tùng Giang. Nội dung đã được Thy Nga của
RFA nhận xét, “Trong số những tài liệu mà
TNga đọc thấy, có bài viết của Đỗ Xuân Tê ghi tóm lại rất hay về cuộc sống sôi
nổi của Tùng Giang, TNga xin lược trích như sau…” Xin bạn đọc nguyên bản nhân người nhạc sĩ "đa tài, đa tình, đa đoan" đi xa vừa đúng ba năm.
(hình chụp hai cha con, TG và Giáng Ngọc trong bữa tiệc. Photo courtesy Thái đắc Nhã)
***
Chuyện gì đến
nó phải đến. Có điều
lần này Tùng Giang như được tiên tri cho số phận của mình. Anh đã đồng ý để Trọng Bằng và bạn hữu tổ chức cho anh một ‘buổi tiệc hoàng hôn’
trước đó khoảng hai tuần.So với bạn đồng nghiệp cũng là một trong hai “vua nhạc trẻ” của một thời Sàigon mưa
nắng, thì Tùng Giang có may mắn hơn khi được hội ngộ cùng bạn
bè và những người hâm mộ trước lúc đi xa,
còn Trường Kỳ thì đã vĩnh viễn đi xa.
Ba tháng hai chuyến đi, làng nhạc
hải ngoại Việt nam nói chung, phong trào nhạc trẻ nói riêng mất đi hai tài hoa đã để lại dấu ấn âm nhạc mà nét đẹp
và sức sống sôi nổi
của nó đã đọng lại trong lòng giới trẻ thủ đô và những
người thưởng thức
miền Nam ấn tượng khó quên của thời kỳ 65-75.
Cuộc đời của Tùng Giang, anh đã chạm mặt tử thần ít nhất hai lần.
Một lần khi vừa
sang nhượng vũ trường Mỹ Phụng, một
nhà hàng rất ăn khách do anh làm chủ, thì chỉ mấy tháng sau, vụ đặt bom của đặc công Việt cộng nhằm vào các lính Mỹ thường tụ tập tại nơi này, gây thương vong nặng
nề cho cả khách hàng Mỹ lẫn Việt. Người
quản lý ngồi ngay chỗ
anh thường ngồi banh xác. Một lần khác cách đây ít năm, khi biết bệnh viêm gan tái phát, anh phải lên bàn mổ, cơ may sống sót như sợi chỉ treo mành, anh đã trối trăn dặn
dò đủ điều với các con anh, nhưng số vẫn chưa chết. Lần này anh chịu khuất
phục, nhưng cứ nhìn nét mặt của anh trong bộ đồ của một cư sĩ trong họp mặt lần cuối, những người
hâm mộ anh vẫn nhận ra nếu thân xác phải đi thì lòng vẫn
còn vướng bụi trần vì hình như anh...chưa muốn đi dù tuổi
trần cũng cổ lai hy (70 tuổi ta)!
Tùng Giang khi sinh thời có một cuộc sống hết mình với hai chữ ‘nghệ sĩ’ nhưng con người của anh có nhiều đặc điểm, phong phú đa dạng đến độ bạn bè khuyên anh viết Hồi ký. Anh có viết hồi ký (tôi có đọc nhưng quá ngắn), nhưng theo nhiều người hâm mộ, đời anh muốn nói cho đủ cần được thể hiện bằng một cuốn phim. Có nghệ sĩ nào sống tự lập, tự vươn lên, bương trải khi tuổi đời chưa hết trung học, học lóm đủ chuyện từ các nghệ sĩ đàn anh đàn chị rồi trở thành tay trống lừng danh, ca sĩ nhạc trẻ thế giới, trưởng ban nhạc kích động, nhà viết nhạc tình ca tuổi trẻ, người tổ chức đại nhạc hội trẻ, chủ nhà hàng vũ trường, nhà phát hành nhạc, giám đốc studio thâu băng nhạc, nhà đào tạo tài năng trẻ, người lăng xê ca sĩ trẻ, người làm báo văn nghệ trẻ, nghệ sĩ đóng kịch, tài tử đóng phịm cả Việt lẫn action /Hollywood...Anh cũng là người năng động không quản ngại bất loại nghề nghiệp nào, kể cả chân bán xăng, người kéo màn, anh chàng bán băng nhạc rong trên đường phố.
Anh cũng nếm
đủ mọi thứ hạnh phúc và cay đắng qua hai mặt
của đồng tiền,
trở thành triệu phú khi tuổi đời chưa đến ba mươi, đi xe hơi
mui trần khi con số dân chơi ở Sàigon đếm
đầu ngón tay, nhiều lần làm chủ các cơ sở kinh doanh lợi nhuận bạc triệu
kể cả bằng đô-la, nhưng cũng có lúc trở thành kẻ homeless trên đường phố
San Francisco khi gia tài chỉ vừa chất đủ trên chiếc mô-tô. Danh vọng tình yêu anh có đủ cả, di sản âm nhạc của anh được đánh giá trên công trình sáng tác, trình diễn hơn nửa thế kỷ, là một trong những ‘thần
tượng’ của phong trào Sài gòn nhạc trẻ vào cuối thập niên 60, đầu 70.
Về tình yêu thì khỏi nói, các cuộc tình sử từ lúc còn trẻ đến khi về già, nghe thôi cũng muốn chóng mặt. Quả thật anh có số đào hoa, dù vóc dáng bề ngoài không đủ hấp dẫn, nhưng tài năng và phương cách tỏ tình cộng hưởng với phong cách đối xử chí tình của anh đã làm cho phái nữ chịu nhiều hệ lụy. Những người đàn bà đến với anh bất kể người đó là ca sĩ lừng danh trên sân khấu thủ đô VNCH hay hải ngoại, hay một cô gái bán ổi bán cóc cạnh sân khấu kịch rong ở Thảo cầm viên, anh đều đối xử trân trọng bằng cách yêu hết mình hoặc trao đổi lãng mạn, thỏa đáng tình dục tùy lúc. Cũng ít ai như anh đã vướng vòng lao lý khi đi tù Chí Hòa vì chuyện làm ăn, rồi làm quen với đủ giới anh chị đại ca trong tù tuy chỉ là mấy tháng, nhưng khi ra ngoài anh gần như giao lưu với đủ mọi giới dưới đáy của xã hội và có cuộc sống có lúc tưởng như bất cần đời.
Nói như vậy, nhưng trong chuyện làm ăn anh rất nghiêm túc, luôn đi trước người ta vì nhiều sáng kiến thử nghiệm táo bạo, nhưng khi thành công rồi số phần lại không được hưởng. Tính cách mạnh nhất trong anh là không bao giờ anh chịu đầu hàng nghịch cảnh, ngã rồi đứng lên tiếp, đời anh tự thân là một mẫu người đáng được giới trẻ học hỏi điểm này. Đối với gia đình, anh là người rất có trách nhiệm, kiếm tiền bảo lãnh cho vợ con sang Mỹ trong đợt sớm nhất, con cái đều nên phận nơi xứ người, chuyện bay bướm là chuyện của cha nhưng con cái vẫn một lòng hiếu kính. Đối với bạn bè đồng nghiệp Tùng Giang sống luôn có tình, hay giúp hay tin, hay quên chuyện cũ dù ai xử xấu với mình. Công bằng mà nói, họ cũng đáp lại với anh nghĩa tình tương tự vì chính anh thú thật nhiều lúc cũng hư.
Tùng Giang và bằng hữu
Riêng người viết bài này xin nhắc lại một kỷ niệm với cố nhạc sĩ Tùng Giang khi có dịp cộng tác với ông trong những ngày gây quỹ ‘Cây Mùa Xuân’ cho chiến sĩ vào những năm đất nước điêu linh. Bản thân Tùng Giang anh không phải là lính, được miễn quân dịch vì là con trai một trong hoàn cảnh có cha mẹ già, nhưng sống trong thời chiến anh không bao giờ làm ngơ, vô cảm với những người đang hi sinh ngoài chiến trường. Vào những năm sau Mậu Thân, Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị hằng năm thường tổ chức cây mùa xuân để ủy lạo các chiến sĩ ngoài chiến trường. Một trong những hình thức gây quỹ là tổ chức các Đại nhạc hội trẻ để lấy tiền xung vào quĩ. Người viết với tư cách là phối trí viên (coordinator) phụ trách liên lạc với các ban nhạc trẻ thủ đô để giúp trình diễn trong các chương trình đại qui mô (kiểu như Đại nhạc hội giúp TPB mới đây). Tất nhiên là phải liên lạc với các ‘vua’ nhạc trẻ Tùng Giang, Trường Kỳ rồi từ họ vận động bạn bè cùng hàng mấy chục ban nhạc trẻ tại Sài gòn để nhờ yểm trợ, đóng góp.
Tôi vẫn
nhớ như in sự
nhiệt tình, lòng tự nguyện
của Tùng Giang thể hiện qua sự bỏ công vận động, thì giờ tập dượt, thời
gian trình diễn, tự đi thuê các thiết bị phóng thanh cực mạnh, dụng cụ sân khấu ngoài trời đã góp phần cho sự thành công vừa về thu nhập tài chính vừa về lợi điểm chính trị qua các đại
nhạc hội dành cho giới trẻ thủ đô tại
Thảo cầm viên và sân vận động Hoa Lư với sức chứa cả chục ngàn người, kỳ nào vé cũng sold out. Không ai có thể ngờ giới trẻ lúc này đang chán chiến tranh, bi quan trong cuộc sống nhưng nhờ
tên tuổi của những thần tượng nhạc trẻ, đã thu hút họ tham gia đông đảo, cổ vũ hết mình và ‘Cây Mùa Xuân’ của quân đội
ngẫu nhiên trở thành nơi
tập hợp lý thú giúp họ gián tiếp bày tỏ thái độ của những người hậu phương trong niềm tri ân tiền
tuyến. Công lớn phải kể đến những người
nghệ sĩ yêu lính này, trong đó có Tùng
Giang, Trường Kỳ và nhiều ca sĩ nhạc sĩ
nhạc công tên tuổi khác.
Cùng với
những người lính cũ, người viết xin trân trọng tấm lòng của Tùng Giang và xin chúc hương hồn cố Nhạc sĩ không còn ‘Tôi với trời
bơ vơ’ (*) mà tìm được bình an miền quê hương vĩnh cửu.
Đỗ Xuân Tê
(cựu Trưởng đoàn Văn nghệ VNCH tại Hội chợ quốc tế That Luang 1974)
(*tên ca khúc nổi tiếng của TG)