Có lên bar - vũ trường, có một lần thử “thưởng thức” tiếng nhạc chát chúa, có tiếp xúc với nhân viên ở nơi đây mới thấy được hết sự phức tạp, cách ăn chơi trác táng của một bộ phận giới trẻ là như thế nào…

Nhiều dân chơi đang “đốt” cả chục triệu đồng cho một lần lên bar.
Quay cuồng, đinh tai và nhức óc
Thứ 7, 22h30, tiết trời Hà Nội bỗng trở lạnh. Thấy tôi đang muốn lên bar để…xả, tàn cuộc nhậu tại một quán lẩu nấm trên phố Phan Đình Phùng, Hoàng “ngổ”, 30 tuổi nhà ở Kim Mã (quận Ba Đình – Hà Nội) lập tức ok và cùng nhóm bạn chở tôi lên Bar Z. ở quận Hoàn Kiếm (gần khu vực phố Phùng Hưng). Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, thế nhưng vừa dừng chân tại cửa bar, tôi không nghĩ rằng nơi đây lại “hút” một lượng lớn dân chơi là giới trẻ đến vậy. Quanh khu vực vườn hoa gần bar đều chật kín ôtô, xe máy tay ga đắt tiền của các dân chơi tìm tới bar.
Không khí trong Bar Z. vào thời điểm tôi cùng nhóm Hoàng “ngổ” có mặt ở đây thật hỗn tạp. Cánh cửa kính cách âm vừa được mở ra, tiếng nhạc với công suất lớn inh ỏi liền đập thẳng vào chúng tôi. Đinh tai, nhức óc, ngực đập thình thịch là cảm giác đầu tiên mà tôi cảm nhận về nơi đây. Trong sàn lúc này đã đứng ngồi lố nhố dân chơi ăn vận những bộ quần áo sành điệu. Gần 30 bàn rượu đã không còn chỗ trống. Làn khói thuốc, mùi nước hoa pha lẫn với thứ âm thanh hỗn tạp khiến cho những người như tôi – dân không sành điệu thấy tức ngực.
Vừa thấy Hoàng “ngổ”, nhận ra khách quen, cậu “tiếp tân” – nhân viên chuyên đón khách, dẫn khách tới bàn rượu đã đặt trước bèn vồn vã. Chẳng biết cậu “tiếp tân” sặc mùi nước hoa này nói gì với Hoàng mà chỉ sau 5 phút, cô gái mặc chiếc váy đen ngắn cũn cỡn từ đâu đó xuất hiện với 3 chai rượu sứ dòng Chivas 21, một bộ “setup” (hoa quả, nước khoáng - PV) trên tay. Nhận thấy tín hiệu gật đầu từ Hoàng, cô nhân viên nữ này liền rót rượu ra ly cho các thành viên trong nhóm. Và rồi, những cái cụng ly, những điệu nhảy không giống ai theo đó xuất hiện cùng với tiếng nhạc House mà anh chàng DJ mặc áo body đứng nơi bục chế nhạc phía xa thể hiện.
Không chỉ bàn rượu của Hoàng, xung quanh, số dân chơi đang có mặt, cụng ly với nhau, lắc giật, quay cuồng theo tiếng nhạc. Phía bàn rượu trên bục, tốp dân chơi gồm 5 nam 3 nữ như thể được đổ thêm chất kích thích vào trong cơ thể nên khi vừa nghe thấy giọng ồ ồ, nửa nam nửa nữ của anh chàng DJ: “Lên nóc nhà là lên nóc nhà” cứ thế nhảy lên, hò hét một cách điên loạn. Sốc hơn, khi tại bàn rượu nằm phía góc bar, 5 cậu ấm, cô chiêu mang khuôn mặt non choẹt, vừa uốn éo lắc lư vừa phì phèo nhả làn khói thuốc Shisha – một loại thuốc được hút qua bình lọc.
0h15, khuôn mặt của các thành viên trong nhóm Hoàng đã lộ rõ hơn vẻ mệt mỏi khi 2 chai rượu Chivas 21 đã vơi cạn. Cuộc lên bar, quay cuồng trong tiếng nhạc ảo của nhóm chúng tôi kết thúc. Trở về nhà, trong đầu tôi vẫn ám ảnh bởi tiếng nhạc thình thịch, chát chúa. Một đêm “xả stress” vô bổ.
Giật mình thú tiêu khiển của giới trẻ
Có thể khẳng định rằng, vào thời điểm hiện tại, thú lên bar của một bộ phận dân chơi là giới trẻ đang nở rộ như mốt. Sự “bùng nổ” về số lượng này được đánh dấu từ điểm ngày 1/1/2010 khi mà cơ quan chức năng cho phép các vũ trường được đăng ký, hoạt động kinh doanh trở lại. Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng thành phố đưa ra, hiện trên địa bàn có khoảng 40 bar nhạc mạnh lớn nhỏ. Dựa vào thiết kế, đặc điểm của các dân chơi mà bar, vũ trường hiện được phân theo hai loại: “bar thác loạn” và “bar tây”.
Theo Hoàng “ngổ” lý giải, “bar thác loạn” được ám chỉ cho những quán bar nhạc mạnh, diện tích rộng với đủ các thành phần dân chơi tham gia. Còn “bar tây” chủ yếu là những bar có diện tích hẹp, uống bia là chủ yếu. Lượng khách tìm đến những bar này chiếm đa phần là người nước ngoài. Và mặc dù cùng là bar có nhạc mạnh, song dân chơi là giới trẻ (nhất là đối với các trường hợp dùng chất kích thích: tài mà, thuốc lắc…) luôn thích tìm đến “bar thác loạn” hơn.
Có một điều mà những người tham gia, biết về cuộc ăn chơi này nhận ra đã lên bar là phải ăn chơi “mất người”. Tìm hiểu thực tế tại một số bar “hot” trên địa bàn thành phố Hà Nội như: bar C.L., bar M. (đường Trần Quang Khải); T bar (quận Hai Bà Trưng); T.B. bar (quận Tây Hồ); bar F. (Hàng Bài), N.T. (quận Cầu Giấy)… chúng tôi đều chứng kiến hình ảnh tại các bàn rượu của dân chơi vô số loại rượu tây đắt tiền như: Chivas, Ballantine, Hennessy, Remy martin v.v.. đi kèm với số rượu này luôn là các loại hoa quả, nước uống “gia vị” (coca, lavie). Để rồi khi thanh toán tiền, nếu ai chưa một lần lên bar sẽ phải giật nẩy mình. Minh chứng, khi thanh toán tiền cho cuộc ăn chơi đêm hôm thứ 7 tại bar Z., Hoàng đã phải chi số tiền 13 triệu đồng. Số tiền mà nhiều người nằm mơ cũng không nghĩ tới.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, một trong những nguyên nhân khiến mỗi cuộc nhảy múa trong tiếng nhạc ảo của dân chơi ngốn một khoản tiền không nhỏ đó chính là bởi chủ quản lý các bar – vũ trường đánh trúng vào tâm lý “sành điệu” của một bộ phận dân chơi là giới trẻ. Khi đến bar là phải ăn chơi hết mình; không nề hà tiền thanh toán; phải thể hiện “đẳng cấp” sành điệu của mình thông qua rượu uống… Ấy nên, đồ “setup”, rượu trong bar đều được đội lên với giá gấp 2-3 lần so với thị trường, đơn cử như giá của một chai Chivas 18 trên thị trường có giá 1 triệu 280 ngàn đồng/chai, trong bar là 2,7 đến 3,2 triệu đồng; Chivas 21 có giá 2 triệu 350 ngàn đồng/chai, trong bar là trên 5 triệu đồng/chai v.v.. Đặc biệt, việc “chặt chém” nâng giá các sản phẩm rượu, đồ uống tại các bar được nhân lên gấp bội khi vào các thời điểm dịp lễ, Tết – lượng dân chơi tập trung đông ở các điểm bar để vui chơi.