“Vô lý…cậu đang thụ lý sao bắt bàn giao sang người khác? Nhận
công tác mới à?”
“Dạ không, không công tác mới. Trên lệnh cứ phải thi hành …”
Ông thành uỷ nhìn mặt gã công an Bằng, tươi roi rói thế kia
chắc không phải vì kỷ luật mà phải bàn giao. Chắc có chuyện gì chính nó cũng
không biết. Chờ gã về rồi, bà vợ mới xô vào phòng hỏi vội:
“Sao? Có tin gì mới chưa? Con mình đang ở đâu?”
Ông chồng thở ra héo hắt:
“Có tin gì đâu? Nó không điều tra vụ con mình mất tích nữa.
Nó tới trả lại tiền bữa trước lót tay cho nó?”
“Thế là thế nào? Tìm người
mất tích là thuộc Phòng trật tự và an ninh xã hội, chính việc của nó
còn giao cho ai nữa?”
Ông thành uỷ trầm ngâm:
“Tôi sợ rằng nó chẳng giao cho ai mà xếp hồ sơ lại rồi…”
Bà thành uỷ gào lên:
“Xếp là xếp thế nào ? Thằng này không làm thì phải giao thằng
khác chớ ? Con tôi mất tích mà không điều tra tôi kiện lên tận Bộ chính trị…”
“Bà có kiện lên trời cũng vậy…”
Và ông như chợt nhớ ra :
“Không khéo chuyện tôi liên quan chuyện con gái cũng nên …”
Bà vợ tròn mắt:
“Ông nói thế nào? Có phải ông định nói con gái mình có dính
dáng tới vụ khám xét khách sạn Hằng Nga không?”
“Không không, không phải chuyện đó, bà còn nhớ cái lần bà tới
gặp vợ ông Sáu Thượng, mẹ thằng Hàm cằm
bạnh không?”
“Nhớ chứ sao không? Hôm đó thiếu nước nó đuổi mình ra cửa….”
“Đó…đó …nó dứt khoát không muốn giáp mặt bà? Nó lại còn bảo
thằng con nó đi Sàigòn từ mấy hôm trước
mà thằng Bằng công an lại bảo tôi chiều hôm đó có người nhìn thấy nó đi với con
gái mình. Như vậy thằng đó dứt khoát liên quan đến vụ mất tích này. Cho nên khi
tôi thúc công an điều tra cho ra thì lập tức bị ngưng chức để làm kiểm điểm…”
Bà vợ ông thành uỷ tái mặt:
“Vậy ra là đòn của ông Sáu Thượng à? Nếu thế thì ông tính sao? Cứ làm lơ cho nó giết chết con gái mình à?”
Hai chữ “giết chết” từ miệng bà thành uỷ không hiểu sao nói như
quát làm ông thành uỷ nhói tim. Linh cảm
rất xấu chợt tới làm ông hoảng sợ:
“Bà nói cái gì gở miệng thế? Sao lại giết chết? Làm sao mà
chết được?”
Bà vợ bật khóc:
“Tôi lo lắm ông ơi? Chắc đã xảy ra chuyện gì rồi, nếu không
con mình đã liên lạc về. Tôi sợ…tôi sợ…”
Ông thành uỷ quát to:
“Phỉ thui cái miệng bà đi. Con nó mới mất tích vài ngày đã nói
tới chuyện chết chóc …”
Bà vợ nín bặt. Một luồng gió lạnh từ ngoài đưa vào qua cửa sổ
làm bà rùng mình. Cả hai vợ chồng đều không dám nói tới cái khả năng xấu nhất. Họ chìm trong im lặng, lát sau bà mới
thì thào:
“Vậy thì ông bảo tôi làm sao? Nhờ cậy tới công an thì lão Sáu
Thượng chặn rồi…Ngay cả cái thân ông
liệu rồi có yên? Mấy năm nay tôi nghe
bao nhiêu chuyện về lão. Độc ác, bất
nhân, coi mạng người như cỏ rác…Ai chống lại đều bị lão gây chuyện cho mất chức
về hưu hoặc tù tội, thậm chí thủ tiêu bằng tai nạn xe hơi hoặc cho uống thuốc
độc. Mình chống lão khác gì châu chấu đá voi, bẻ nạng chống trời?”
Ông thành uỷ thở hắt ra:
“Nếu đúng thế bà chỉ còn cách đi chùa cầu trời khấn Phật cho
con tai qua nạn khỏi thôi…”
Mấy ngày sau trong khi bà đi lễ các chùa ông chợt nhớ lão thày
bói đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm Hà Nội.
Phải rồi, nhờ lão bói làm theo lời lão khuyên, ông không những đã thoát đi B mà
còn du học nước ngoài, một “ưu tiên” vào thời đó rất ít người được hưởng trừ ra
con ông cháu cha và những anh mạnh chạy. Cũng do lão, ông đã bỏ cô người yêu
giáo viên và cưới con gái ông Phó Ty tức
vợ ông bây giờ. Gần hai chục năm qua, không biết lão thày bói còn sống, còn
ngồi đền Ngọc Sơn hay lưu lạc đẩu đâu. Dẫu thế nào, ông phải tìm được lão ,
biết đâu lão sẽ bói một quẻ đại cát như hồi ông còn làm Trưởng phòng thông tin
cổ động.
Nghĩ là làm, hôm sau ông ngồi xích lô tới đền Ngọc Sơn. Cơ quan
cũ ngày xưa của ông kia. Nó đã biến đổi hoàn toàn. Ngôi nhà ba tầng cũ kỹ mầu
vôi vàng biến mất thay thế là cao ốc hiện đại và sang trọng. Nhà nước ngày nay
lắm tiền thật, một cái cơ quan vô tích sự, quanh năm chỉ ăn hại đái nát mà xây
cái trụ sở to ngang cái nhà hát. Xây dựng xong cái công trình bề thế này chắc
chắn mấy thằng đàn em ông ngày trước, nay đều là Chánh phó Giám đốc phải được
chia chác nặng túi. Thật chẳng bù cho cái chức Trưởng phòng hồi bao cấp, quanh
năm chẳng được khoản chia nào, bổng lộc chỉ trông vào lương và bìa mua hàng cung
cấp.
Tất nhiên cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn vẫn còn đó. Do vị trí đặc
biệt của nó, chẳng quan tham nào có thể gây sự , tạo cớ quy hoạch để cướp đất chùa được. Thời thế đã thay đổi, cảnh vật
đã đổi thay, và cả lão thày bói ngày xưa ngồi trước cổng tam quan cũng đã biến đâu.
Ong dừng trước một người đàn ông mang kính đen ngồi trên chiếc chiếu nhỏ trải
ngay ven hồ, trước mặt có cuốn sách dầy cộp in photo copy chữ nho, chắc sách
bói toán, bên cạnh đặt điện thoại di động. Trăm phần trăm gã là thày bói thời
kinh tế thị trường chứ không sai. Quả nhiên khi ông thành uỷ đi qua, gã ngước
lên mời chào:
“Làm một quẻ đi ông bác….giờ này mà ông bác đi lại lẩn thẩn ở
đây thì một là mất của, hai là mất người, ba là mất chức nên đi bói một quẻ coi sao. Đúng không ông bác?”
Ông thành uỷ ngớ người:
“Sao ông biết ? “
Gã thày bói đắc ý:
“Thày mà…có cái gì là không biết…”
Ông thành uỷ vội vàng:
“Vậy ông có biết cách nay chừng hai chục năm có ông thày bói
vẫn ngồi chỗ chân Tháp Bút, mặc áo va rơi giờ đâu không?”
Gã thày bói cười toét miệng:
“Có phải cái lão gày đét như con mắm không? lão Bốc đấy mà.
Ngỏm lâu rồi. Ai lại mới đầu tháng mà đã bị một thằng đâu cũng bói toán gì cho
nó lôi đi khao thịt chó chợ Châu Long say tuý luý. Ấy thế rồi đêm về ngủ trước
đền bà Kiệu, gió máy thế nào sáng hôm sau đi thăm cụ Hồ, cụ Các Mác với cụ Lênin luôn. Cũng còn
may hơn mấy cụ kia ở chỗ mang theo được miếng dồi chó làm quà hối lộ Diêm Vương
khỏi sa vạc dầu…”
Ông thành uỷ bật cười:
“Dưới âm phủ mà cũng có chuyện tham nhũng sao ?”
Gã thày bói trợn mắt sau cặp kính đen:
“Có chớ sao không? Dương sao âm vậy? Bởi thế bây giờ mấy bà
mới đốt vàng mã cả biệt thự, cả đô la, cả xe hơi đời mới cho chồng con dưới
suối vàng chẳng thiếu thứ gì…”
Ông thành uỷ lắc đầu:
“Lại còn thế nữa kia? Mê tín dị đoan vậy mà cảnh sát khu vực
không can thiệp à?”
Gã thày bói cười ha hả:
“Cảnh sát nào dám can thiệp. Thời nay các ông bà lớn cũng đi
lễ chùa, đi lễ đền còn cấm được ai. Hôm
rồi có bà gì vợ lớn lắm lên Phủ Tây Hồ làm lễ cầu siêu cho cô gái mới chết
kìa…”
Ông thành uỷ giật mình:
“Cô gái mới chết à?
Tên gì? Tại sao chết anh biết không?”
“Sao tôi biết được?
Ngu gì chĩa mũi vào chuyện mấy ông bà lớn có mà đi tù sớm?”
Ông thành uỷ choáng váng mặt mày. Bà vợ ông lớn đó liệu có phải
là Phu nhân ông Sáu Thượng không? Cô gái mới chết liệu có phải con gái ông
không? Gã thày bói giục:
“Ông có muốn bói không
thì đặt quẻ đi!“
“Tôi muốn bói cô gái mới chết kia con cái nhà ai? Gia đình cô
ta có gặp hoạn nạn gì không?”
Gã thày bói lắc đầu:
“ ôi coi cho ông thì chỉ coi những gì dính dáng tới ông thôi.
Chuyện bá vơ của thiên hạ sao coi được?”
Ông thành uỷ nói liều:
“Thì anh cứ coi như cô gái đó là ... con gái tôi đi. Vậy đã
bói được chưa?”
Gã thày bói ngước lên cặp kính đen:
“ Ong nói nghiêm chỉnh hay là ông muốn bỡn thày?”
Ong thành uỷ quả quyết:
“Nói thật đấy chớ …bỡn anh làm gì mất tiền oan?”
Gã thày bói cười khảy:
“Thôi được…thích thì chiều…tôi sẽ bói cho ông, nhưng mà
khí…đắt đấy…Hai cân chịu không thì đặt tiền vào đây …”
Ông thành uỷ cau mày:
“Hai cân là bao nhiêu?”
“Hai trăm chứ mấy? Giá hữu nghị mà…”
Ông thành uỷ kêu trời như người bị cắt cổ nhưng sau cũng chịu
đặt 4 cái giấy năm chục vào đĩa. Gã chộp lấy, đưa tay vê vê kiểu mấy cô thu
ngân ở ngân hàng xăm xoi tiền đô la thật hay giả. Sau cùng nhét cẩn thận vào túi
rồi gã mới đưa ra cuốn sách:
“Ông mở ra xem trang số mấy…trang lẻ ấy…”
Ông thành uỷ cầm lên cuốn sách dày cộp, cáu bẩn mở ra một trang
rồi đọc cho gã thày bói con số gã cần. Gã móc trong tráp ra một cuốn sổ tay tra
số trong đó rồi dõng dạc đọc:
“Phù Vân thiên thượng
thượng
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi…”
Cô gái tên là Vân đã đi
rất xa rồi không còn trở về nữa…”
Ông thành uỷ lắp bắp:
“Thày ơi, Vân đúng là tên con gái tôi rồi. Vậy nó đi đâu mà
không quay về với cha mẹ nó?”
Gã thày bói lắc đầu:
“Đi tít ra ngoài biển khơi rồi, đâu về được nữa. Số cô này chết mất xác nơi cùng trời cuối đất…”
Ông thành uỷ tái mặt:
“Có đúng không thày. Bố mẹ có giúp gì được không?”
“Giúp sao được? Lạ thật cứ theo như quẻ này thì số cô này là
gà ăn quẩn cối xay mà hoá ra cả đời cứ phải đi xa, ngay cả chết rồi cũng đâu có
được gần người thân…”