VỀ CÀ MAU, NGHE LẠI BÀI HUÊ TÌNH
về Cà Mau nghe lại bài huê tình
thuở em ngồi bên cầu ao giặt áo
tiếng em lướt tiếng cầu kinh xóm đạo
rót tim anh từng giọt lệ trăng non.
mặt ao đêm trăng gợn sóng dập dồn
khi điệu hát bập bềnh đáy nước
con cá lìm kìm như ăn nhầm mồi độc
nằm chết queo trước dòng nhạc nhà quê.
anh, gã học trò hò hát vụng về
nhớ gió đưa trăng, thương trăng đưa gió
trăng lặn rồi anh đành ôm nỗi khổ
như gió kia trong trời đất cô đơn.
gã học trò ôm mãi cây đờn
ra cầu ao chờ người giặt áo
chỉ có tiếng cầu kinh xóm đạo
thay giọng em thay điệu hát huê tình.
mấy mươi năm anh trông bóng ngó hình
về Cà Mau nghe gió đưa gió đẩy
cầu ao ngày xưa bây giờ còn lại
một nấm mồ cỏ dại mọc hoang vu.
(01/12/2020)
THÁNG GIÊNG TÔI
tháng giêng trắng xóa hồn tôi sóng
ngọn thơ trèo ngược gió ra khơi
tàu đã quen rồi mùa biển lộng
nghìn trùng vẫn nhớ phút chia phôi.
tháng giêng tôi, về ngang phố lẻ
dấu giày ai lỗi nhịp lang thang
đêm quàng vai đất trời hiến tế
sầu em nằm héo úa hồng nhan.
tháng giêng ngập, tình tôi úng rễ
nước trào dâng cây lá trút lòng
phố phường em góc trời nhỏ lệ
vườn hắt hiu trái rụng đầy sông.
tháng giêng như chiếc áo dài em
trong thơ tôi, dù em đã quên
thánh thần trên cao cũng rơi xuống
ngẩn ngơ nhìn dáng thướt tha êm.
tháng giêng mưa, xóa trắng cửa trời
thơ cùm tay, tôi tạ ơn đời
thập giá mùa chay đành rửa tội
trần gian còn lại nỗi lòng tôi.
(12/01/2019)
BÔNG DỪA
chiều qua đò Hàm Luông
nắng trôi theo lượn sóng
nắng giạt qua bên sông
về Mỏ Cày thăm bạn.
những hàng dừa ly tán
thời chiến tranh xa nhau
vạt đất đầy dấu đạn
ngập xác cây bạc màu.
có một bông dừa nhỏ
lẻ loi trong câu thơ
có một bông dừa nở
trong huyền thoại giấc mơ.
em xanh màu cây lá
giữa bóng chiều đìu hiu
áo mỏng manh ngọn mạ
cắm lòng tôi liêu xiêu.
những hàng dừa hồi sức
đẩy chiến tranh xuống mồ
sao vẫn nằm thao thức
nghe đời về hư vô?
ngồi ngó đò giỡn sóng
tôi thương em bôn ba
thương bông dừa khoe bóng
thầm lặng Kiều Nguyệt Nga.
về Bến Tre thăm bạn
Hàm Luông vang tiếng hò
dòng sông vừa thắp sáng
chân dung một bài thơ.
PHẠM HỒNG ÂN
(14/12/2020)
(Tác giả gởi)